Chủ Nhật

TỪ ẤY TRONG TÔI BỪNG NẮNG HẠ

Mỗi người có một cách khác nhau để thể hiện cuộc sống, có con đường đầy hoa thơm cỏ lạ, có con đường đầy gai góc. Khi bước vào nghiệp võ thì tức là chúng ta đã chọn con đường gian khổ, đầy chông gai nhưng khi đã chấp nhận bước chân trên con đường ấy thì chúng ta đã đáng trân trọng lắm rồi bởi điều đó có nghĩa là ta đã sống trên ý chí của mình.

Những ngày tháng đầu chập chững bước chân vào môn phái Nam Huỳnh Đạo, tôi như đứa trẻ lạc giữa một thế giới mới lạ, đầy bỡ ngỡ và lo sợ, lo sợ liệu mình có đủ sức để vượt qua những bài luyện tập hay không? Thế rồi, tôi đã từng bước được những Sư huynh ở đây hướng dẫn tận tình. Ngày xưa, khi tôi đi học võ, thông thường thì huấn luyện viên ở đây chỉ thực hiện rồi võ sinh tự làm lấy, làm tới đâu thì hay tới đó, thậm chí sai hay đúng mình cũng chẳng biết được. Nhưng ở đây, các Sư huynh rất dụng tâm, chỉ bảo đến ngay cả từng động tác nhỏ. Đó là điều đầu tiên làm tôi thấy thực sự hứng thú ở nơi này. Ngày trôi qua, càng ở lâu trong môn phái tôi càng cảm nhận được sự đoàn kết, tình huynh đệ luôn hiện hữu ấm áp như trong một gia đình thực sự.

Người xưa nói “Trò giỏi ắt phải có thầy giỏi” và người thấy ấy chính là người mà chúng tôi luôn gọi bằng hai tiếng hết sức trân trọng “SƯ PHỤ !”.

Điều đầu tiên gây ấn tượng với tôi nhất là Sư Phụ có một trái tim yêu nước sâu sắc, một tinh thần luôn hướng về Tổ quốc với lòng hoài niệm và biết ơn những thế hệ đi trước. Điều mà có lẽ tôi chưa từng được thấy ở những nơi tôi từng học võ trước đây. “Tổ quốc” vốn là hai từ thiêng liêng nhất, một người luôn đặt Tổ quốc lên trên tất cả là người đáng kính phục và trân trọng bởi chính điều đó sẽ truyền nhiệt huyết cho các thế hệ đệ tử đi sau một tinh thần cội nguồn chân chính đã được xây dựng hàng nghìn năm trong văn hoá dân tộc. Thuyền của Sư Phụ không chỉ chở “Võ” mà còn chở cả “Văn”, luôn hướng con người đến “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”, ngay cả khi Sư Phụ nói những bận lòng về nhân sinh thì trong đó cũng ẩn chứa những tình thương với các đệ tử, với nhân tình, vì con người, vì Võ đạo chân chính mà lên tiếng.

Các Sư huynh nói đến Sư Phụ như một bậc cao thủ về võ thuật, nhưng với tôi, Sư Phụ rất giản dị. Chẳng sáo rỗng, không quá phô trương với những ngôn từ bác học, những lời Sư Phụ dạy hết sức gần gũi và đậm chất dân dã khi truyền thụ cho chúng tôi về Pháp võ và Võ đạo nhưng lại chứa trong đó biết bao hàm ý sâu xa, rộng như vũ trụ mà cũng gần như hơi thở con người. Con người vốn hay nói đến chữ “Duyên”, có thể nói đó là hảo duyên nếu ai được học những điều ấy. Đạo võ của Sư Phụ ngộ ra rất sâu kín và nhiệm màu nhưng nếu ta chịu học hết lòng, học bằng cái tâm, cái tình chân thật, mình biết là mình đang học đạo và mình không quên là mình đang học đạo, thị đạo sẽ tự hiển hiện trong lòng mình, đạo là có thật và người học đạo cũng trở nên có thật, như vậy mới có thể thấy được và hành theo được đạo võ của Sư Phụ.

Cuộc đời mỗi chúng ta nếu không tìm được một thứ mà “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ” thì sẽ mãi chỉ là “Nỗi sầu le lói suốt trăm năm”. Những ngày học võ tại Đình Nam Chơn đã khơi dậy trong tôi một cái gì đó rất hữu hình, một lý tưởng về cuộc sống.

Tạo hoá vầng vũ, vũ trụ bao la, con người vốn yếu ớt và nhỏ bé, chỉ có cái tinh thần của con người là thật sự bất diệt và cái tinh thần Thượng võ bất diệt ấy có lẽ tôi đã bắt gặp được ở nơi này. Mong cho môn phái sẽ ngày càng phát triển, luôn mang đến sức khoẻ cho mọi người để phát huy tinh thần võ thuật, Võ đạo bất diệt, xiển dương tinh thần võ đạo, văn hóa của Việt Nam trên trường thế giới để mãi mãi xứng danh với tổ tiên đi trước.

(From: Bài viết võ đạo tháng 5/2009 của môn sinh Nam Huỳnh Đạo: Nguyễn Lê Thiên.
http://namhuynhdao.vn/?p=34 )